Visa du lịch Úc – Không dễ, không khó

27 ngày dạo chơi trên đất Úc, bước qua những con đường đậm chất Bắc Âu ở Surry Hill, tắm trong những cơn mưa đầu mùa ở thành phố cảng, trú dưới mái vòm của nhà hát Opera và ngắm nhìn cây cầu Haboure nổi tiếng, đắm mình trong ánh hoàng hôn đổ dài trên những cánh hải âu ở Mordialloc, bị ám ảnh bởi những tiếng “king koong” của tàu điện TRAM ở cái nôi nghệ thuật Melbourne, hay lao đi vun vút trong tiếng nhạc xập xình của radio trên cung đường phượt đẹp nhất nước Úc có lẽ là những ấn tượng mà mình sẽ chẳng thể nào quên trong hành trình tuổi trẻ của mình. Giờ nghĩ lại mới thấy, hồi ấy bị Refused Visa (từ chối) mà không quyết tâm xin lại lần nữa thì mình có lẽ đã bỏ qua một nơi tuyệt vời như vậy rồi.

Trong bài viết này ngoài những thông tin liên quan đến thủ tục, hồ sơ, mình sẽ kể thêm cả chuyện xin visa của mình để bạn có thể tham khảo. Mình xin Visa Úc trước 1 tháng. Lãnh sự quán Úc gửi kết quả Refused (Từ chối) sau 19 ngày kèm thư giải thích lý do. Đọc xong thư của Lãnh Sự Quán, mình gấp rút chuẩn bị lại hồ sơ, bổ sung thêm một số loại giấy tờ mặc dù chỉ còn hơn 10 ngày là đến ngày đi. Mình nhận được kết quả Grandted Visa (Chấp nhận) trước ngày đi 1 ngày (Tức là sau 5 ngày làm việc của ĐSQ kể từ ngày mình nộp hồ sơ lại). Lý do là gì các bạn đọc hết bài viết sẽ rõ nhé.

huong dan

Visa Úc là một trong những loại Visa thuộc dạng khó nhằn nhất, đặc biệt là càng ngày chính phủ Úc càng thắt chặt các chính sách liên quan đến Visa và định cư dành cho người nước ngoài thì việc chuẩn bị một hồ sơ đủ sức thuyết phục là việc đầu tiên cần phải làm để có được tấm vé đặt chân đến và khám phá xứ sở chuột túi.

Hồi đó mình xin Visa trước ngày đi một tháng. Theo review của đa phần các trang web du lịch thì như vậy là khá vội. Nên chuẩn bị hồ sơ và xin Visa trước hai tháng so với ngày khởi hành. Mặc dù vậy, mình vẫn quyết định xin, vì đọc trên trang chủ của Đại Sứ Quán, mình thấy thời hạn xét duyệt của Visa Úc là từ 2 tuần đến 4 tuần kể từ ngày nộp hồ sơ.

BƯỚC 1: NGHIÊN CỨU THÔNG TIN

Bạn cần đọc và hiểu rất rõ những yêu cầu, những giấy tờ, thủ tục cần chuẩn bị đối với hồ sơ xin Visa du lịch Úc.

Visa du lịch hoặc thăm thân thuộc Diện Thị Thực 600

Thông tin cơ bản của diện thị thực 600 bạn có thể xem tại đây: http://hcmc.vietnam.embassy.gov.au/files/hchi/VISITOR%20visa%20checklist.%20Version%20010717.pdf

Các giấy tờ cơ bản cần chuẩn bị đối với dạng thị thực này bao gồm:

(Lưu ý: Những loại giấy tờ sau đây bao gồm những giấy tờ được yêu cầu trên trang web của Lãnh Sự Quán và cả những giấy tờ khác mà mình gợi ý để giúp bạn có một bộ hồ sơ đầy đủ và hoàn chỉnh nhất. Bởi Lãnh Sự Quán Úc không quy định và hạn chế số lượng, cũng như các loại giấy tờ mà bạn nộp. Chỉ cần làm mọi cách để thuyết phục được họ với 3 câu trả lời sau là okie:

  1. Mục đích sang Úc của bạn chắc chắn là đi du lịch hoặc thăm thân? (Không phải để buôn bán hàng lậu hay định cư trái phép)
  2. Bạn có đủ tài chính cho chuyến đi của mình? (Để trang trải cho chuyến đi và để trở về)
  3. Bạn sẽ không trốn lại đất nước của họ? (Định cư trái phép)

 600

  1. Đơn xin Visa – Mẫu đơn 1419 | Download tại đây: http://www.border.gov.au/Forms/Documents/1419.pdf
  1. Ảnh chân dung 4×6 – Nền trắng – Hở tai – Không đeo kính
  2. Chứng minh nhân thân của bạn
  • Giấy khai sinh (Bản sao công chứng)
  • Hộ chiếu – Tất cả các trang có nội dung, có dán Visa và dập dấu (Bản sao công chứng). Hộ chiếu từng đi nhiều quốc gia là một lợi thế.
  • Chứng minh nhân dân (Bản sao công chứng)
  • Sổ hộ khẩu – Tất cả các trang bao gồm cả những trang trống (Bản sao công chứng)
  1. Chứng minh về tình trạng tài chính
  • Sao kê tài khoản Ngân hàng 3 – 4 tháng gần nhất (Có dấu đỏ của ngân hàng)
  • Sao kê thẻ tín dụng (Có dấu đỏ của ngân hàng)
  • Sổ tiết kiệm (Có dấu đỏ của ngân hàng hoặc công chứng)
  • Các chứng minh về thu nhập khác như tài sản cho thuê, cổ phiếu hoặc các khoản đầu tư khác,…
  • Bản sao công chứng của bất kỳ giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản nào mà bạn có (như nhà ở hay đất đai)
  1. Chứng minh tình trạng công việc

Nếu bạn đang đi làm cho một công ty không thuộc quyền sở hữu của bạn

  • Giấy chứng nhận bạn đang là nhân viên của công ty đó
  • Hợp đồng lao động có ghi rõ mức lương của bạn
  • Đơn xin nghỉ phép và được sự đồng ý của công ty (Có đóng dấu và chữ ký giám đốc)
  • Sổ bảo hiểm xã hội (Cái này rất lợi hại, vì nó chứng minh được việc bạn đang được hưởng chế độ tại nơi mà bạn làm việc)

Nếu bạn đang làm chủ của một công ty

  • Giấy đăng ký kinh doanh có tên bạn
  • Bản sao kê thuế 2 – 3 tháng gần nhất của công ty
  • Các giấy tờ chứng minh bạn là cổ đông, hoặc có cổ phần trong công ty

Nếu bạn đang làm công việc tự do – Một Freelancer thì cũng đừng lo (Phân này mình bổ sung thêm vì từng giúp một bạn Freelancer xin được Visa du lịch tự túc)

  • CV + Portfolio công việc và các sản phẩm của bạn
  • Hợp đồng Freelancer mà bạn làm việc với các khách hàng
  • Sao kê tài khoản và đánh dấu bằng bút note vào các đợt thanh toán của khách hàng
  • Nếu bạn có website hay blog cá nhân, hãy đưa nó vào trong CV của bạn
  • Nếu bạn là người ham mê du lịch và có một blog về du lịch, web ảnh du lịch,… thì hãy in các bài viết và bức ảnh đó ra, đính kèm địa chỉ blog của bạn.
  1. Trong trường hợp bạn được bạn bè, người thân mời sang thăm
  • Bản photo công chứng hộ chiếu của bạn bè, người thân (Scan và gửi qua mail cho bạn)
  • Thư mời (Scan và gửi qua mail cho bạn)
  • Chứng minh về nghề nghiệp, công việc hiện tại của người thân của bạn tại Úc (Ví dụ: Thẻ sinh viên nếu đang đi du học, hoặc Giấy chứng nhận đang làm việc tại công ty của Úc có dấu và chữ ký giám đốc)
  • Bằng chứng về mối quan hệ giữa bạn và người thân mà bạn đến thăm (Thường sẽ là ảnh chụp có mặt bạn và người thân của bạn)
  • Nếu người thân của bạn đồng ý chi trả tài chính cho chuyến đi của bạn, người thân của bạn cần phải chứng minh thu nhập và tài chính của mình giống như phần 7 (Chứng minh về tình trạng tài chính), sau đó Scan và gửi qua mail cho bạn
  1. Lịch trình du lịch (Càng chi tiết và cụ thể càng tốt. Cái này bạn có thể tham khảo rất nhiều trên các trang web về du lịch. Note rõ ngày này đi đâu, làm gì, chi phí cho chuyến du lịch bạn dự kiến sẽ ra sao)
  1. Vé máy bay, Booking khách sạn và Bảo hiểm du lịch (Cái này không cần thiết. Bạn có thể chuẩn bị hoặc không, vì Lãnh sự quán nói rõ là không nên chi trả trước những chi phí này trước khi nhận được Visa. Trong hồ sơ của mình không có 3 loại giấy tờ này)

 

BƯỚC 2: CHỌN LỌC & CHUẨN BỊ HỒ SƠ

Bước này là bước vô cùng quan trọng sẽ quyết định bạn có được Lãnh Sự Quán chấp nhận cấp Visa du lịch hay không. Ở bước này, bạn cần có một chút tư duy Logic để biết đối với trường hợp của mình, thì những loại giấy tờ, hồ sơ gì sẽ thực sự phù hợp.

Mặc dù ở bước 1, mình liệt kê ra rất nhiều loại giấy tờ, nhưng bạn sẽ không cần phải đưa hết tất cả các loại giấy tờ ấy vào trong hồ sơ (Ngoại trừ các mục 1,2,3 là bắt buộc đầy đủ)

Ở đây, mình sẽ cung cấp cho các bạn 2 ví dụ cụ thể về trường hợp của mình và của bạn mình.

Trường hợp 1 (Trường hợp của mình) – Visa thăm thân kết hợp du lịch. Hồi ấy mình được bạn mình mời sang dự lễ tốt nghiệp. Nhân dịp này thì mình kết hợp đi du lịch luôn.

Các giấy tờ mình nộp lần 1 (Là lần mình bị Refused – Từ chối) bao gồm:

  1. Đơn xin Visa – Mẫu đơn 1419
  2. Ảnh chân dung 4×6
  3. Giấy khai sinh (Bản sao công chứng)
  4. Hộ chiếu – Tất cả các trang có nội dung, có dán Visa và dập dấu (Bản sao công chứng)
  5. Chứng minh nhân dân (Bản sao công chứng)
  6. Sổ hộ khẩu – Tất cả các trang bao gồm cả những trang trống (Bản sao công chứng)
  7. Sao kê tài khoản ngân hàng (Tài khoản nhận lương) 3 tháng gần nhất
  8. Số dư tài khoản ngân hàng 135 triệu
  9. Giấy chứng nhận đang làm việc tại công ty của mình
  10. Hợp đồng lao động (Chức vụ: Phó Giám Đốc, Mức lương)
  11. Đơn xin nghỉ phép có dấu của công ty
  12. Lịch trình thăm thân và du lịch
  13. Ảnh mình chụp cùng với bạn mình
  14. Giấy tờ của bạn mình:
  • Hộ Chiếu (Bản sao công chứng)
  • Thư mời của trường bạn mình học
  • Thẻ sinh viên của bạn mình

Kết quả: REFUSED sau 19 ngày. Trong thư phản hồi của Lãnh Sự Quán, các lý do mà Lãnh Sự Quán đề cập sẽ tập trung chủ yếu trong 3 lý do mà mình nói ở trên. Của mình là: “Không đủ tin tưởng bạn sẽ quay trở lại đất nước của mình sau chuyến đi”

Giờ nghĩ lại thì thấy chiến lược hồi ấy của mình không đúng cho lắm. Mình định lấy danh nghĩa là một Phó Giám Đốc với công việc và mức lương hàng tháng ổn định. Tuy nhiên thì với việc mình nói mình là Phó Giám Đốc, LSQ sẽ cần những chứng minh khác đủ mạnh mẽ hơn ví dụ như mức lương phải cao hơn, phải có các ràng buộc tài chính khác mạnh mẽ hơn như giấy tờ bổ nhiệm, tài sản thì là nhà, xe, ô tô,… Có như vậy thì mới không nhảy việc, không tìm một công việc khác với mức lương cao hơn và chế độ tốt hơn. Với bộ hồ sơ này, nếu mình chỉ nói mình là một nhân viên làm việc bình thường trong công ty, hồi ấy có khi lại không bị Refused như vậy.

Lần 2, mình bổ sung các giấy tờ sau:

  1. Đăng ký kinh doanh của công ty
  2. Báo cáo thuế 2 tháng gần nhất của công ty
  3. Sổ Bảo hiểm xã hội
  4. Sổ tiết kiệm 150 triệu (Mình làm bên Sacombank)
  5. Thư giải trình (Thư này để thuyết phục Lãnh Sự Quán và nêu các lý do mà mình phải quay về Việt Nam sau chuyến đi) – Bằng Tiếng Việt
  6. Thư xin xét duyệt nhanh – Bằng Tiếng Anh

Kết quả: GRANTED sau 5 ngày.

Trường hợp 2 (Trường hợp của bạn mình) – Visa du lịch tự túc.

Hồi ấy bạn mình đang làm Freelancer thiết kế. Bạn đó tiết kiệm đủ tiền và muốn qua Úc để đi du lịch. Tuy nhiên thì sau khi đọc qua yêu cầu của LSQ, cậu chàng bỏ cuộc lần 1. Mình ban đầu cũng nghĩ đến 90% là có nộp thì cũng fail vì cam kết quá ít. Nhưng cuối cùng vẫn cố gắng giúp, một phần cũng muốn biết được thực sự Lãnh Sự Quán họ mong muốn điều gì trong một hồ sơ xin thị thực du lịch. Vậy là hai đứa lại lọc cọc chuẩn bị.

Hồ sơ mà mình tư vấn cho bạn đấy bao gồm:

  1. Đơn xin Visa – Mẫu đơn 1419
  2. Ảnh chân dung 4×6
  3. Giấy khai sinh (Bản sao công chứng)
  4. Hộ chiếu – Tất cả các trang có nội dung, có dán Visa và dập dấu (Bản sao công chứng)
  5. Chứng minh nhân dân (Bản sao công chứng)
  6. Sổ hộ khẩu – Tất cả các trang bao gồm cả những trang trống (Bản sao công chứng)
  7. CV + Portfolio
  8. Hợp đồng Freelancer mà bạn đó từng làm việc với các khách hàng
  9. Sao kê tài khoản chi tiêu và đánh dấu bằng bút note vào các đợt thanh toán của khách hàng
  10. Sổ tiết kiệm 150 triệu (Làm bên Sacombank)
  11. Lịch trình du lịch chi tiết
  12. Thư giải trình hồ sơ. Nêu ra 3 lý do như sau:
  • Đang là con trai 1 trong gia đình. Cần phải trở lại Việt Nam để chăm sóc cho bố mẹ.
  • Đã từng đi du lịch nhiều nước, không làm gì sai trái tại đất nước bạn và luôn trở về Việt Nam đúng thời hạn.
  • Có đam mê du lịch và muốn trở thành một blogger du lịch (Trong hồ sơ có đính kèm một số bài viết của cậu ấy cùng ảnh chụp, in màu và ghim thành quyển)
  • Lý do cuối là cậu ấy đang rất thoải mái với công việc ở Việt Nam và không có nhu cầu thay đổi môi trường làm việc.

Kết quả: GRANTED sau 15 ngày.

Trên đây là hai ví dụ cụ thể về việc chọn lọc các loại tài liệu để đưa vào hồ sơ. Như bạn thấy, cái khó của Visa du lịch Úc là Lãnh Sự Quán họ rất Logic trong quá trình xét duyệt. Ví dụ như việc chứng minh tài chính chẳng hạn, nếu bạn chỉ nộp sổ tiết kiệm thì chưa chắc bạn đã được duyệt. Bởi vì họ còn muốn biết bạn lấy số tiền đó ở đâu ra. Người xét duyệt cũng đủ thông minh và nhiều kinh nghiệm để biết rằng:

  • Bạn chỉ cần mất một số tiền nhỏ để làm sổ tiết kiệm
  • Bạn chỉ cần đặt trước vé máy bay và booking khách sạn rồi trả sau, hoặc hủy

Bởi vậy, hãy làm mọi cách để chứng minh mục đích du lịch của bạn là thật sự đúng đắn. Bạn sẽ quay trở lại đất nước của bạn sau chuyến đi và bạn đang có đủ nguồn lực tài chính cho chuyến đi của mình.

BƯỚC 3: NỘP HỒ SƠ

Có 2 cách nộp hồ sơ. Đấy là nộp online hoặc nộp trực tiếp tại văn phòng đại diện của Lãnh Sự Quán.

Hồi đó mình đến nộp trực tiếp tại văn phòng đại diện của Lãnh sự quán Úc – VFSGlobal. Bạn có thể vào trang chủ của họ để đặt lịch hẹn và mang hồ sơ qua vào đúng ngày hẹn để nộp và lấy sinh trắc học cũng như nộp lệ phí.

http://www.vfsglobal.com/australia/vietnam/Vietnamese/Schedule_an_appointment.html

Địa chỉ của VFSGlobal:

  • Tại Hà Nội: Tòa nhà Gelex, tầng 3
    52 phố Lê Đại Hành, Phường Lê Đại Hành
    Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
  • Tại Sài Gòn: Tầng 5, Tòa nhà Resco, 94 – 96 phố Nguyễn Du
    Phường Bến Nghé, Quận 1,
    Thành phố Hồ Chí Minh
  • Tại Đà Nẵng: Tầng 6, Tòa nhà ACB, 218 Đường Bạch Đằng,
    Phường Phước Ninh, Quận Hải Châu,
    Thành phố Đà Nẵng

Cách 2 là nộp hồ sơ online tại đây theo hướng dẫn từng bước. Tuy nhiên nộp hồ sơ online xong bạn vẫn phải đến văn phòng đại diện của Lãnh Sự Quán để lấy sinh trắc học. Trang nộp hồ sơ online: http://www.border.gov.au/Trav/Visa/Immi

Trên đây là những chia sẻ chi tiết của mình về Visa Du lịch Úc. Chúc bạn sẽ vượt qua cửa ải đầu tiên này một cách dễ dàng và có những ngày phiêu du trên đất Úc thật là ý nghĩa!

9 comments

  1. Cho em hỏi, mẹ em chưa đi nước nào nhưng có cháu họ hàng bên úc ( đã có thường trú nhân) bên đó đứng ra bảo lãnh mẹ và em (svien năm 2 trg đại học), mẹ em tài chính kinh tế tốt ( thu nhập hơn 80tr từ tiền cho thuê nhà và kiot, có 1 chung cư, và nhiều bất động sản, có stk 1ty5 bên sacombank từ tiền bán đất) thì vậy em và mẹ có dễ xin visa không ạ?

    Liked by 1 person

    1. Chào Nhi. Với điều kiện như vậy, anh nghĩ việc xin Visa của em và mẹ không có gì khó khăn đâu vì với điều kiện của mẹ em như vậy thì quá đủ để chứng minh ràng buộc ở Việt Nam rồi. Chỉ cần cung cấp đủ giấy tờ để chứng minh cho những điều kiện mà em nói ở trên là okie. Với trường hợp của Nhi và mẹ thì sẽ xin Visa theo diện du lịch và thăm thân (Diện thị thực 600). Chi phí du lịch tự túc. Khi đó người thân bên Úc chỉ cần gửi bản sao của thường trú nhân, thư mời, và chứng minh quan hệ (thường là ảnh chụp chung của em,mẹ và người thân bên đó). Có gì thắc mắc nữa em cứ hỏi nhé.

      Like

  2. xin chào a, em có bạn trai bên Úc, muốn bảo lãnh em qua đó du lịch vài tuần, e hiện là nhân viên văn phòng cho công ty Nhật, chưa có lịch sử đi nước nào, cũng k có tk ngân hàng để chứng mình, bạn trai e thì tài chính nhà cửa công việc vững vàng, như vậy e xin visa du lịch có khả năng thuận lợi k a

    Like

    1. Chào Phương!
      Cho anh hỏi bạn trai em đã nhập cư Úc hoặc có thẻ cư trú tại Úc chưa? Với điều kiện của Phương hiện tại xin Visa Úc sẽ khó. Nhưng phải thử mới biết được. Nếu bạn trai đã định cư Úc hoặc có thẻ cư trú tại Úc thì sắc xuất bảo lãnh được cho em sẽ cao hơn. Sẽ theo hướng người thân bảo lãnh sang thăm thân.

      Like

  3. chào anh, e có chị ruột bên úc, gd chỉ còn e ở vn với ba em, mẹ e đã mất, nhà cửa đất đai e đứg tên cùng chị, chị e ở úc đã có định cư lâu rồi, sổ tieesrt kiệm e trên 200, e đag làm tại cty hq, hd 1 năm, lương hd 8tr nhưng lương net 9tr, có sao kê đầy đủ, đã đi 7 nc’ trong đó có hàn quốc, chị 2 và a rể e sẽ viết thư mời cho em, anh thấy case của e ntn ạ ?
    cám ơn anh

    Like

  4. Cảm ơn những thông tin hữu ích mà anh chia sẻ. Giá như em đọc được bài anh viết từ sớm hơn thì tốt quá.
    Em cũng vừa bị refuse vì trường hợp tương tự anh. Anh cho em hỏi lần bổ sung của anh là nộp hồ sơ lại từ đầu hay liên hệ họ giải trình để bổ sung hồ sơ vậy anh? Em có vừa email họ giải trình những điểm họ nghi trong hồ sơ nhưng không biết khi nào họ mới reply/ có reply mình không nữa.

    Like

  5. Cảm ơn những thông tin hữu ích mà anh chia sẻ. Giá như em đọc được bài anh viết từ sớm hơn thì tốt quá.
    Em cũng vừa bị refuse vì trường hợp tương tự anh. Anh cho em hỏi lần bổ sung của anh là nộp hồ sơ lại từ đầu hay liên hệ họ giải trình để bổ sung hồ sơ vậy anh? Em có vừa email họ giải trình những điểm họ nghi trong hồ sơ nhưng không biết khi nào họ mới reply/ có reply mình không nữa.

    Like

Leave a reply to ocsengio Cancel reply