– Ry-u hỏi tôi: Anh nhớ nhất điều gì về Leh?
– Anh á! Nhớ nhất là mấy lá cờ nguyện Lung Ta,… cả những chiếc chuông quay vòng Mane được dựng đầy trong thị trấn nữa!
– Ry-u: Vì màu sắc của chúng à?
– Không! Vì chỉ cần nghĩ đến chúng anh hình dung ra mọi thứ về mảnh đất này.
9 giờ 30 phút sáng,
Tuyết vẫn phủ trắng sân bay Leh. Máy bay cất cánh, mang cả tá ký ức của tôi và Ry-u trở lại Việt Nam trong niềm hạnh phúc không sao tả nổi. Đó là chuyến bay mà chúng tôi đã chờ đợi hơn 48 tiếng sau sự cố hủy chuyến vì tuyết rơi quá dày ở Leh hai ngày trước. Chưa bao giờ mong muốn được trở về nhà lại lớn đến vậy. Lúc này, khi đã được nằm trong chăn ấm của mùa đông Hà Nội, lật lại từng tấm hình, ngắm lại từng khung cảnh, những ký ức về Leh lại ào ạt ùa về. Ký ức về những ngày lang thang giữa miền cổ tích.


Lung Taholic
Kể từ lần đầu tiên biết về lá cờ Lung Ta tôi đã khát khao một lần được tận mắt trông thấy nó, được chạm vào nó. Với người dân ở đây, những lá cờ Lung Ta đủ màu mang ý nghĩa về sự bảo vệ, mang đến bình an và may mắn cho cuộc sống. Đấy là lý do mà người ta gọi Lung Ta là cờ nguyện. Nhìn từ xa, tưởng đâu Lung Ta chỉ là mấy tấm vải nhuộm màu sặc sỡ, nhìn gần mới thấy mỗi lá cờ đều chất chứa rất nhiều lời nguyện được viết, vẽ và in hình tỷ mỉ bằng mực đen. Giữa lá cờ thường là hình ảnh cách điệu của loài Phong Mã, bởi Lung-Ta có nghĩa là “Ngựa gió”. Người dân ở đây luôn tin rằng Ngựa Gió là linh vật thiêng liêng có thể mang điều xấu từ nhân gian bay đi và mang điều tốt từ trên cao theo gió trở về. Đi dọc những con đường lên xuống ở Leh, hình ảnh lá cờ Lung Ta phấp phới bay trên những mái nhà, đền tháp, những ngọn đồi, tu viện, những ngõ chợ đông người,… thực sự khiến tôi khó có thể rời mắt.


Ry-u bảo tôi là Lung-taholic (Kẻ nghiện cờ Lung Ta) haha! Mà tôi thấy đúng thật. Nguyên ngày đầu tiên, cái album mấy trăm tấm ảnh tôi chụp làm gì có tấm nào mà không có Lung Ta, là cái album ảnh rực rỡ, màu mè nhất mà tôi từng chụp – theo lời Ry-u bình chọn ^^ Nhưng cứ thử một lần đứng cạnh những dải cờ ấy khi trời lộng gió xem, bạn sẽ thấy hồn mình như thả trôi theo gió luôn vậy, là cảm giác của sự tự do, vượt qua mọi suy nghĩ chật hẹp trong đời, cảm giác như có thể tan biến được… cũng giống như những lúc bồng bềnh trên hồ Dal Lake ở Srinagar ấy.





Giấc mơ tuyết trắng ở Himalaya
Không chọn cách bay thẳng đến Leh, xuất phát từ Srinagar, chúng tôi chọn xe Jeep với chặng đường 400km đi vòng qua rặng Himalaya phủ đầy tuyết trắng để đến Ladakh. Tôi và Ry-u đều đồng tình với nhau rằng chưa bao giờ đi qua một cung đường nào kinh điển đến thế. Từ thấp lên cao, địa hình thay đổi với rất nhiều hình thái khác nhau. Lúc là núi đá với vách đá sắc nhọn mọc lởm chởm, khi lại là những triền núi đất vàng rực rỡ trong ánh nắng chói chang. Kinh điển nhất là hàng chục đoạn cua gấp khúc lượn quanh những đỉnh núi phủ tuyết trắng xóa. Những đám cây lá kim mọc thẳng tắp xuyên qua những lớp tuyết phủ dầy đặc đón ánh mặt trời. Xe Jeep đi với tốc độ cao, còn anh tài thì phải thuộc hàng tay lái lụa và cực kỳ quen đường ở đây rồi mới dám lái mạnh tay như thế. Cho dù thỉnh thoảng anh trấn an chúng tôi bằng vài câu tiếng địa phương nhưng quả thật chúng tôi vẫn không tránh được cảm giác hú tim mỗi khi anh phanh gấp hoặc xe nhảy dựng lên khi cán qua những tảng đá lớn vung vãi trên đường. Tất cả giống như một thước phim 8 tiếng với những cảnh quay kinh điển mà tôi từng nghĩ chỉ có thể gặp trong mấy bộ phim bom tấn của Hollywood nay tái hiện một cách chân thực ngay trước mắt,…với tụi tôi, trải nghiệm ấy thực sự đáng giá.









Tôi ngủ thiếp đi khi xe bắt đầu vào địa phận Ladakh. Một cái bật nảy cả người khi xe lao qua một đoạn mấp mô khiến tôi bừng tỉnh. Phía trước hình như là núi mặt trăng giống như trong lời kể của mấy bài review mà tôi từng đọc. Một tấm biển màu xanh lướt qua, trên đó không phải tín hiệu chỉ đường mà là một câu quote,…
Better to see something once, than to here about it thousand times.
Tôi vỗ vai gọi Ry-u dậy rồi chỉ chỉ. Có phải mấy câu quote trong cuốn Ladakh Quotation mà Ry-u từng kể đây không? Rồi từ lúc ấy cho đến hết quãng đường, cứ khoảng một cây số, chúng tôi lại chờ để được xem một câu quote mới… Mục đích chủ yếu của nó là gây sự chú ý với những người cầm lái, để thức tỉnh họ khỏi những cơn buồn ngủ và để chặng đường trở nên ý nghĩa hơn…

Leh – Yên bình
20h30, chiếc xe Jeep của chúng tôi chạy vụt qua cổng chào của thị trấn Leh, trời quá tối nên tôi cũng không kịp để ý xung quanh có những gì. Xe dừng lại ở trước một khách sạn nhỏ có cửa gỗ và tường trắng bao quanh trông sạch sẽ và thanh lịch. Cái lạnh âm độ của thị trấn nhỏ này vào giữa mùa đông khiến chân tay tôi như đóng băng cả lại. Sau tiếng còi báo hiệu của tài xế, ông chủ khách sạn và hai bạn nhân viên bước ra giúp chúng tôi xách hai cái vali nặng trịch vào trong, không quên nở một nụ cười tươi và thể hiện sự quan tâm bằng những câu hỏi thăm dồn dập: “How are you?”, “Is it cold?”, “You’ll be fine! Don’t worry”,… Chúng tôi quả thật lạnh đến mức không kịp trả lời một câu hỏi nào cho đến khi bước vào căn phòng nhỏ mà trong đó có chứa một máy sưởi mini đã được bật sẵn… Oh Ghost! Cứu tinh đây rồi! Đêm hôm ấy, tôi yên giấc sau một cơn đau đầu nhẹ vào lúc 2 giờ sáng. Còn Ry-u có triệu chứng chảy máu cam nhưng không quá nhiều. Có lẽ việc di chuyển đến Leh bằng xe Jeep khiến hội chứng Sốc độ cao không ảnh hưởng nặng nề, hoặc do cơ địa của chúng tôi tốt thì tôi không biết. Theo như tôi tìm hiểu, hội chứng sốc độ cao chủ yếu do không khí loãng khi ở trên cao và thời tiết lạnh khiến máu khó lưu thông. Ông chủ khách sạn liên tục nhắc chúng tôi uống nước để ổn định lại sức khỏe trước khi làm bất cứ điều gì. Tôi trộm nghĩ, ừ mệt thì có mệt thật, nhưng quan trọng là đã đến được nơi muốn đến. Kiểu gì cũng sẽ ổn thôi!
SÁNG HÔM SAU
– Cốc Cốc!!!
– Come in
Phía ngoài cửa là anh chủ khách sạn với khuôn mặt tươi rói và nụ cười hóm hỉnh.
– Good morning
– What do you want for breakfast?
Tôi dụi mắt, hình như mặt trời đã lên cao có vẻ từ rất lâu trên những ngọn núi và ánh nắng thì xuyên qua tấm rèm mỏng treo cạnh cửa sổ, lấp ló đâu đó là một khoảng trời xanh ngắt, trong veo. Tôi không khỏi bị quyến rũ và chui ngay ra khỏi hai lớp chăn ấm mặc dù trời còn rất lạnh. Giữa mùa đông, ban ngày dù nắng chói chang, Leh vẫn có thể xuống đến 0 độ. Thời tiết hanh khô của ngày đầu tiên khiến chúng tôi nhìn có vẻ hơi dị hợm. Môi nứt nẻ, da khô và bong từng lớp, ngứa ngáy khó chịu, đã vậy còn mặc đến bốn lớp áo dầy cộp. Nhưng cho dù thế thì khi vừa bước chân ra khỏi khách sạn, khung cảnh xung quanh khiến chúng tôi gần như choáng ngợp. Ry-u quay sang tôi thì thầm,…
Có phải tụi mình đợi hăm mấy năm trời chỉ để nhìn thấy cảnh tượng này không?
Kỳ thực, trong khoảnh khắc ấy, thời gian và không gian làm gì còn ý nghĩa gì đâu. Chỉ có tôi, Ry-u, những ngôi nhà màu trắng trên ngọn núi màu nâu, những khoảng không xanh ngắt ôm trọn lấy miền đất vừa thực vừa hư tựa như trong truyền thuyết và con dốc dưới chân thì dẫn thẳng về phía những ngọn núi phủ băng trắng xóa. Một đàn chim vươn rộng đôi cánh liệng êm ru qua những cành khô. Yên bình!


Leh – Ẩn mình
Chúng tôi đến Leh trong tâm thế tìm hiểu không nhiều về mảnh đất này. Tôi đơn thuần chỉ muốn có một chuyến đi như Bagan trước đó. Chỉ là Bagan, không phải Mandalay, không phải Inle Lake. Với Leh cũng thế, chỉ là Leh, không phải Pangong, không phải Tsomoriri hay bất cứ nơi nào khác. Bởi Leh, chính nó đã chất chứa một nền văn hóa đặc trưng và phong phú, chất chứa những khoảng không gian tuyệt hảo mà khi đến nơi chúng tôi vẫn gọi đùa với nhau là “không góc chết”.

Leh nằm ẩn mình trong cao nguyên Ladakh, tách rời khỏi những tranh chấp về biên giới xung quanh. Đến Leh là đến với một quần thể văn hóa Phật giáo đa dạng và lâu đời nếu không muốn nói là có phần phức tạp. Leh có đến 35 tu viện lớn nhỏ, trong đó Thiksey là tu viện lớn và nổi tiếng nhất ở đây, cùng với 5 tông phái của phật giáo, trong đó có nhiều tông phái chịu ảnh hưởng của phật giáo Tây Tạng. Đấy là lý do mà đôi lúc bạn sẽ bắt gặp những bộ trang phục, màu sắc hay khung cảnh mang hơi hướm Tây Tạng ở đây. Và cũng vì thế, nơi này còn được gọi với cái tên Tiểu Tây Tạng của Ấn Độ.




Khách sạn chúng tôi ở có tên là Mount Castle, chỉ cần bước vài bước ra ngoài là có thể bắt gặp Old City. Những ngôi nhà được xây bằng gạch và đá cổ thụ màu trắng nằm tụm lại với nhau trên những vách núi là cảnh tượng có thể dễ dàng bắt gặp, phía xa xa là Cung điện Leh cổ kính.





Đi men theo con đường mòn, bước qua những đoạn dốc vẫn còn vương chút băng chưa tan hết, tôi trượt chân đến xoẹt một cái, suýt té ngửa. Ry-u kịp kéo tôi lại trong ánh nhìn lạ lẫm của người dân địa phương. Bước lên một đoạn, chúng tôi bắt gặp một cảnh tượng độc đáo mà sau này chúng tôi nhận ra đây là một nghi thức phổ biến của người bản địa – MANE. “Mane” là tên gọi của một chiếc chuông đặc biệt xuất hiện ở mọi nơi trong thị trấn Leh. Nó có hình trụ tròn, cao, xoay quanh một trục cố định khi có người dùng sức để đẩy. Hết một vòng, mane sẽ đánh dấu bằng một tiếng chuông mà người ta hay gọi là chuông luân hồi.




Theo tục lệ, quay càng nhiều vòng thì sẽ nhận được càng nhiều bình an và may mắn. Chính vì vậy, mỗi khi gặp một chiếc chuông Mane trên đường, người dân đều tranh thủ bước vào để thực hiện nghi lễ. Nhìn riết thành quen, tôi và Ry-u cũng bắt chước theo. Mỗi ngày chạy vào chiếc chuông Mane gần nhà quay mấy vòng rồi cũng ước nọ ước kia ^^ Thế rồi hai đứa rảnh tự đặt một cái tên riêng cho nó là “Chiếc chuông xoay vòng bình an” để tin rằng cho dù cuộc sống không ngừng chuyển động, cho dù nó cứ khiến bạn quay vòng vòng đi chăng nữa thì hãy luôn nhớ đến khoảnh khắc này, khoảnh khắc mà mọi hư vô trong đời đều tan biến…
