
Hey! Hey! Train… Train! Dẹp vào em ơi! Tàu đến! Tàu đến! Mấy người kia kìa!… Tàu đến anh chị ơi! Đứng sát vào! Sát vào!…
Tu Tu! Tuuuuuuuu!
Một ngày tinh mơ của tháng 3 Hà Nội, khi những đợt gió mùa cuối cùng tràn xuống phố, tôi và tụi trẻ dắt díu nhau bước qua những giấc mơ song song nằm lọt thỏm giữa mấy căn nhà nhỏ, nơi có những ly cà phê ấm nóng, những quán hàng nghi ngút khói nằm cạnh bên những ray tàu xa vút như thể đang chạm lấy nhau ở một khoảng không gian nào đó đằng kia.
Tôi và tụi trẻ ấy, tôi tin mỗi đứa trong chúng tôi đều mang trong mình những thế giới riêng, những giấc mơ riêng. Tôi cũng tin những thế giới riêng ấy, chúng tồn tại song song không khác những ray tàu kia là bao. Có lẽ bởi vì thế, chúng tôi gặp được nhau ở đây, cười nói cùng nhau, chia sẻ với nhau nhiều điều về thế giới, về những giấc mơ, những góc nhìn của nhau với một niềm tin ngây ngô là bằng một cách nào đó, mọi thứ sẽ hội ngộ.

Những Giấc Mơ Song Song, câu chuyện đường ray và những nhiếp ảnh gia tiềm năng của Khóa huấn luyện chụp ảnh cho người mới bắt đầu!
Ảnh: Thanh Nguyễn, Hường Hoàng, Thế Sơn, Ngọc Anh, Dạ Thảo, Ngọc Hiền, Tạ Quỳnh, Hải Yến, Thu Trang,
Phải nói rằng lâu lắm rồi tôi mới lại viết. Tôi viết khi tôi có cảm hứng và tôi thật sự muốn viết. Tụi trẻ ấy là những người đến với tôi để tìm nguồn cảm hứng nho nhỏ nơi tôi. Tôi chia sẻ với các bạn ấy niềm tin về thế giới quan tiềm ẩn mà các bạn ấy sẽ phải tự mình khám phá, về những niềm đam mê của tôi đằng sau những khoảnh khắc, những màu sắc, những khung hình,… Nhưng cái sự nó lạ vậy, có lẽ quy luật về sự cân bằng ở đây luôn đúng,…
Khi bạn chân thành trao đi điều gì, bạn nhận lại những điều tương tự.
Tôi chân thành trao đi nguồn cảm hứng của mình, tôi nhận lại chính những năng lượng ấy từ các bạn. Vũ trụ vẫn luôn tồn tại song song những quy luật cân bằng như thế. Đấy cũng là lý do khiến bản thân tôi yêu thích công việc dạy học này đến vậy.





Sáng nay, tôi dẫn tụi trẻ đến góc phố quen thuộc mà thỉnh thoảng tôi vẫn ghé qua để tìm chút dư vị đặc biệt của Hà Nội. Con phố ấy tôi hay gọi là “Phố Đường Ray” vì ở đó có hai dãy nhà nằm san sát đường ray tàu hỏa mà mỗi lần tàu chở qua, tôi luôn có cảm giác chỉ cần quờ ra, bám lấy một tay vịn nào đó ở thành tàu thì lập tức sẽ lao đi vun vút theo tốc độ của gió và ánh sáng.



Đấy là lần đầu tiên, một vài đứa trong số tụi trẻ được nhìn tận mắt cảnh tượng ấy. Bởi thế mà tụi nó hào hứng lắm. Khách tham quan ở đây ngày cuối tuần cũng đông hơn ngày thường, sau tiếng la lối om sòm để cảnh báo bằng các loại ngôn ngữ khác nhau của người dân địa phương, ai cũng tìm cho mình một góc riêng, những tư thế thuận lợi nhất để bắt lại khoảnh khắc vụt qua rất nhanh ấy, vì từ lúc nghe thấy tiếng còi tàu cho đến khi tất cả các toa lần lượt chạy qua chỉ diễn ra trong chưa đầy hai phút. Kết thúc sự kiện là những tiếng vỗ tay nhiệt liệt của khách tham quan mà tôi và tụi trẻ nói đùa với nhau là như thể vừa đón đoàn đại biểu cấp cao nào đó.

Tuy rằng sự kiện này là một điểm nhấn của khu phố, nhưng điều mà người ta ấn tượng lại không chỉ nằm ở khoảnh khắc ấy, mà là cuộc sống diễn ra quanh những ray tàu, những gia đình đã sống ở đó qua hàng chục năm bên cạnh âm thanh của mấy khối sắt nặng nề va rầm rập vào nhau. Tôi có cảm giác mọi thứ cứ bình lặng một cách thản nhiên song song với khái niệm về tốc độ vẫn hằng ngày chạy qua chạy lại. Họ bán cà phê, họ vẽ tường, họ nấu đồ ăn, họ nói tiếng Anh với khách du lịch, họ làm cuộc sống của mình rộn ràng hơn bên những ray tàu cũ kỹ. Và tôi tin họ cũng có ước mơ của riêng mình, có góc nhìn riêng về thế giới song song với chúng tôi – những người khách ghé thăm, song song với những thế giới ở trên kia, trên mấy toa tàu mỗi khi đoàn tàu chạy vụt qua các mảng tường san sát và rực rỡ sắc màu ấy.


Cuộc sống xung quanh những ray tàu












Những bức tường được tô vẽ với sắc màu rực rỡ









“Mỗi chúng ta đều có thế giới quan của riêng mình, đủ để tìm thấy những điều riêng biệt.”
Ngay từ khi bắt đầu với CITY PHOTO HUNTER, tôi đã luôn nói điều đó ra rả với tụi trẻ như một kinh thánh. Mà đa phần, thế giới quan ấy không phải đến trong ngày một ngày hai. Mọi thứ đều cần có thời gian để trở nên rõ ràng và quen thuộc. May thay, tụi trẻ ngấm cái tinh thần ấy nhanh hơn tôi nghĩ.



Có lẽ thế giới quan của một người trở nên rõ ràng hơn khi được đặt vào đúng bối cảnh tạo cho họ thật nhiều cảm hứng. Sau những góc máy của tụi trẻ, tôi nhận ra cuộc sống ở con phố ấy không chỉ có những đường ray rỉ sét, không chỉ có những đám sỏi trắng khô khan lọc sọc trải dài, nảy sóc lên mỗi khi tàu lăn bánh…
Ở đó cũng có những mùa cây xanh lá…

Ở đó có những gánh hàng rong ngày ngày đi qua…



Ở đó có nghệ thuật…


Có cả những tiếng cười,…


Sự chào đón,…


Và khoảnh khắc chờ đợi…

Có tình yêu thương, sự lo toan qua hàng chục, hàng trăm năm,…

Những ánh mắt trong veo của mấy đứa nhỏ…

Ở đó, có câu chuyện về những người trẻ,…

Có câu chuyện của những người chưa hẳn đã già,…

Và mỗi ngày vài lần, chuyến tàu chở hàng trăm giấc mơ vùn vụt chạy qua.


Nếu một ngày phải rời xa Hà Nội, cậu sẽ nhớ điều gì nhất?
Câu hỏi ấy là chủ đề cho bộ ảnh cuối khóa mà tôi sẽ cùng các bạn ấy thực hiện. Tôi luôn tin, cho dù là Phố Đường Ray hay bất kỳ một ngõ phố nào, một con đường nào cũng sẽ trở nên ấn tượng qua góc nhìn và thế giới quan của những người trẻ ấy…
Bởi mỗi chúng tôi đều có một giấc mơ. Những giấc mơ song song.
