Đây là một chủ đề mà từ trước đến nay mình được hỏi rất nhiều, đặc biệt là từ các bạn đã có máy ảnh và sau khi mua máy thì không biết phải làm gì với công cụ chụp của mình hoặc chụp được một vài lần là thấy chán và có xu hướng vứt xó chiếc máy của mình, cực kỳ phí phạm! Vậy nên, ngày hôm nay mình sẽ chia sẻ với bạn những điều cần lưu ý để bắt đầu với nhiếp ảnh và giúp các bạn vượt qua tình trạng cả thèm chóng chán khi mới bắt đầu bằng một quy trình mà mình đã follow ngay từ khi mình mới bắt đầu tiếp cận với lĩnh vực này nhé.
Có rất nhiều bạn, nếu như mình không muốn nói là đa số các bạn sau khi mua máy ảnh về là sẽ có ngay một kỳ vọng rất lớn về việc có thể chụp được những bức ảnh đẹp hoặc ấn tượng như người này người kia, anh này chị kia. Nhưng khi đi chụp một hai buổi thì thấy nào là ảnh tối, ảnh mờ, màu xấu, out nét, noise tùm lum mà không thể khắc phục được, lại cộng với công việc, học tập bận rộn nọ kia, thế là các bạn bị nản, không muốn chụp nữa, máy ảnh lại vứt đó,… Kỳ vọng càng cao, thất vọng càng nhiều là như thế đấy các bạn. Và lý do chính là do bạn không làm chủ được công cụ mà mình đang sử dụng và để nó chi phối đến cảm xúc của bạn.
Vậy nên việc làm chủ công cụ là vô cùng quan trọng, trước cả góc nhìn, bố cục, câu chuyện và những điều chi tiết hơn. Những chức năng cơ bản nhất về công cụ mà mình đang sử dụng sẽ bao gồm: các chế độ chụp, các chế độ bắt nét, các chế độ chỉnh ánh sáng, màu sắc, điểm mạnh và điểm yếu của ống kính. Có rất nhiều cách để biết được những điều này như:
+ Google Search, xem các kênh Youtube về dậy chụp ảnh cơ bản. Có 2 kênh mà mình thấy chỉ cần xem 2 kênh này thôi là đủ cho bạn về kiến thức nhiếp ảnh cơ bản rồi.
- Tùng Phạm Chanel: https://www.youtube.com/channel/UCYHCUyG7P01IvzO5FYVu0nw
- 50mm Việt Nam: https://www.youtube.com/channel/UCQ_f__j5PR4Hs4XwIHHweEg
+ Tham gia các diễn đàn, Group về nhiếp ảnh để tìm hiểu và đặt câu hỏi như: vnphoto.net, camera.tinhte.vn,…
+ Tự mày mò các chức năng của máy. Lôi máy ra và chụp linh tinh, nghịch ngợm với nó lúc rảnh. Đừng lo lắng về việc lỡ lay chỉnh phải những chức năng không mong muốn vì luôn luôn có chức năng Reset All tồn tại để giúp bạn quay lại những setup ban đầu. Đừng chỉnh sang ngôn ngữ khác là được, không là cũng nguy đấy ;D
+ Hoặc cùng lắm là tham gia một khóa học online, ngắn hạn về kỹ năng sử dụng máy.
Việc làm quen này hoàn toàn không khó các bạn ạ. Mình cũng sẽ có các bài viết hướng dẫn cụ thể trong những số tiếp theo.
Và một lợi thế rất lớn khi các bạn làm chủ công cụ của mình là bạn sẽ tăng cơ hội nắm bắt những khoảnh khắc đẹp lên gấp nhiều lần. Cứ nghĩ mà xem, thấy một khoảnh khắc đẹp, nhấc máy lên chỉnh mất 5 phút, đến lúc chỉnh xong thì không thấy đẹp đâu nữa rồi. Thế thì bảo làm sao mà không nản.
Xem, cảm nhận và học hỏi là một thói quen mà không chỉ khi bắt đầu, mà sau này khi đã pro hơn rồi, chụp đẹp hơn rồi bạn vẫn sẽ phải duy trì thói quen này. Bạn có thể:
+ Xem ảnh của những người mà bạn yêu thích trên Instagram
+ Xem ảnh của những nhiếp ảnh gia nổi tiếng ở Việt Nam và trên thế giới
+ Đi xem các triển lãm về nhiếp ảnh
Việc xem ảnh này có một số tác dụng như sau:
Đầu tiên là bạn sẽ có cảm quan tốt hơn với lĩnh vực này, có định hình rõ ràng hơn về các phong cách nhiếp ảnh hiện tại, cập nhật những xu hướng mới và ít nhiều bạn sẽ bị ảnh hưởng, mình hay dùng từ “lây” đấy. Lây truyền. Lâu dần, tư duy về ảnh của bạn cũng sẽ ngày một tốt hơn. Đây cũng là cách cực kỳ hữu ích giúp bạn lấy cảm hứng cho quá trình học và nghiên cứu nhiếp ảnh của mình.
Hai là bằng việc phân tích những yếu tố xuất hiện trong các tác phẩm đó, ví dụ như màu sắc, ánh sáng, bố cục, bạn ít nhiều sẽ hiểu ra những vấn đề mà bạn đang gặp phải. Bạn luôn phải đặt ra câu hỏi để phân tích khi xem ảnh như tại sao bức ảnh này có cảm xúc với mình? Do ánh mắt của nhân vật, do màu sắc hay do cách kể chuyện của nhiếp ảnh gia. Từ đó học hỏi và ứng dụng vào phong cách chụp của bản thân.
Mình recommend cho bạn kênh Insta của 1 nhiếp ảnh gia đời sống mà mình rất yêu thích – @JustinMott
Bác này có những post Photo Debeat như thế này rất thú vị. Bác ấy post 2 bức ảnh với 2 góc chụp khác nhau và hỏi mọi người là họ thích góc chụp nào hơn?
Còn đây là một số trang Instagram của các nhiếp ảnh gia Việt Nam mà mình rất thích và đang follow:




Còn rất nhiều các Instagramer mà mình chưa thể kể hết ở đây. Tuy nhiên, có một sự thật là có rất nhiều Instagramer trẻ cũng như các nhiếp ảnh gia trẻ đã định hình được một phong cách ảnh rõ ràng cho bản thân.
Việc xem và tham khảo khi mới bắt đầu với lĩnh vực này giúp bạn có cái nhìn tổng quan khi bản thân chưa định hình và lựa chọn được một phong cách nào rõ ràng. Sau này, khi đã chụp được một thời gian, bạn sẽ tự thu gọn và giới hạn lại kho tài liệu tham khảo của mình, và biết được cái nào phù hợp, cái nào không.
Nếu như “XEM CÀNG NHIỀU CÀNG TỐT” là cách để bạn có cái nhìn tổng quan thì “CHỤP CÀNG NHIỀU CÀNG TỐT” sẽ giúp bạn có cái nhìn thực tế hơn, trực quan hơn và giúp bạn hiểu và nhớ lâu hơn những kiến thức mà bạn đã tiếp cận trước đó.
Tuy nhiên, sau mỗi lần chụp bạn cần phải hình thành thói quen kiểm điểm lại chính mình. Ý mình là note lại những vấn đề trong quá trình mà bạn thực hành.
Mình ví dụ, khi bạn đọc và xem ảnh người khác chụp, bạn note lại những kiến thức hay ho, sau này khi tự đi chụp, gặp một bối cảnh tương tự, tự nhiên bạn nhớ ra và bạn áp dụng kiến thức trước đó vào, bạn cảm thấy rất tuyệt vì bạn không còn hoang mang như những ngày đầu nữa. Như kiểu một kỳ tích ấy. Một bước ngoặt mới.
Hoặc là khi bạn đi thực hành chẳng hạn, có một góc chụp mà bạn chụp mãi không thấy đẹp, bạn ghi nhớ trong đầu hoặc giữ lại bức ảnh đấy, sau này về bạn đọc và xem, bạn lại thấy có ai đó chụp một bối cảnh tương tự, bạn bảo uầy sao người ta chụp đẹp thế mà mình chụp xấu thế? À! Họ làm mờ hậu cảnh nhiều hơn, À! Góc này phải là góc từ dưới lên nó mới đẹp, À! màu ấm như này thì nó mới ra chất của cái bối cảnh này… Đấy, thế là bạn hiểu ra và mỗi lần như thế bạn hiểu ra một ít, rồi bạn sẽ lên tay dần dần. Đấy là cách học của mình. Còn nếu chỉ chụp và không có suy nghĩ, không có tư duy gì, về cũng chỉ để ảnh đấy thì lần sau chắc chắn bạn cũng sẽ vẫn mắc lại những lỗi như thế và không bao giờ tiến bộ được.
Sau một khoảng thời gian nghiên cứu, sau khi đã xem đủ nhiều và chụp đủ nhiều, bạn có thể bắt đầu suy nghĩ về việc định hình một phong cách riêng, một hướng đi riêng cho bản thân đúng với sở thích của bạn, đúng với thế mạnh của bạn và cho bạn nhiều cảm hứng nhất.
Với mình thì mình thấy việc này nó đến một cách rất tự nhiên, sau một quá trình và bạn cảm thấy mình phù hợp với phong cách nào, mình yêu thích phong cách nào hơn và mình làm tốt nhất điều gì. Lúc này bạn sẽ dễ dàng có một sự lựa chọn và theo đuổi phù hợp. Và chính xuất phát điểm này sẽ là cái sau này khiến mọi người nhớ đến bạn và nhận ra bạn giữa rất nhiều các phong cách khác nhau.
Nhưng nhớ nhé, nó là thời điểm.
Nếu bạn cảm thấy thời điểm ấy chưa đến, tức là bạn cần phải trải nghiệm thêm. Xem nhiều hơn, chụp nhiều hơn để đến được cái bước đột phá ấy. Đừng vội!
Còn khi đã định hình được phong cách rồi, bạn sẽ có xu hướng thu gọn lại nguồn tham khảo của mình, thu gọn lại cách chụp của mình, tập trung hơn vào phong cách, cái kiểu mà mình đã hướng tới. Lúc này, bạn sẽ bắt đầu đào sâu vào chuyên môn hơn, bắt đầu học hỏi những cái sâu hơn, mới hơn và lại tiếp tục tất cả những điều mà mình nói từ đầu đến giờ, nhưng ở một mức độ cao hơn và khó hơn nhiều.
Vậy thôi. Cuối cùng, mình muốn chốt lại một điều với bạn là,
Cho dù ảnh có không được đẹp như kỳ vọng thì cũng mặc kệ nó, thua keo này ta bầy keo khác, chụp cho đến khi đẹp thì thôi, ưng thì thôi.
Phải quyết liệt chứ đúng không. Cứ bảo đam mê, phải bảo vệ đam mê, thế mà vừa chụp 1 cái bị xấu đã bỏ ngay thế thì đam mê nỗi gì. Đam mê cũng như tình yêu các bạn ạ, phải nuôi dưỡng. Không thể ngày một ngày hai mà bỏ ngay được. Để mình nói bạn nghe, ngay cả những nhiếp ảnh gia có rất nhiều năm kinh nghiệm cũng không phải cứ lúc nào giơ máy lên bấm một cái là cũng ra ảnh đẹp đâu. Huống chi là bạn mới cầm máy chưa được bao lâu. Những ảnh mà các bạn xem, các bạn trầm trồ là những bức ảnh mà đã được các nhiếp ảnh gia chọn lọc, chỉnh sửa, cân nhắc đi cân nhắc lại một cách kỹ lưỡng rồi mới up đấy. Bạn sau này cũng thế thôi. Mình đảm bảo luôn! Thế nên nhớ nhé,
Đúng trước đã. Đẹp sau!
Thời gian đầu, bạn cũng nên có một thời gian biểu thật sự nghiêm túc cho việc học này, vì việc học này cũng giống như tất cả những việc học khác, cần dành thời gian và cần hình thành thói quen.
Như mình hồi mới tiếp cận, mình chưa bao giờ đi học nhiếp ảnh ở đâu cả, cũng như chưa bao giờ xem các clip dậy nhiếp ảnh cơ bản. Tất cả những gì mình làm là dành ra tất cả các buổi tối mỗi buổi khoảng 30 phút đến 1 tiếng xem ảnh hết trang này đến trang khác, có những hôm mê quá mình xem mà quên đi ngủ luôn, rồi đọc thông tin trên các diễn đàn, mình dành tất cả các ngày chủ nhật hoặc thứ bảy, mỗi tuần một lần, hãn hữu lắm mình mới bỏ, cũng không cần nhiều, mỗi buổi lang thang khoảng 2 tiếng. Mình cứ làm vậy sau khoảng 6 tháng thì mình có chuyến đi du lịch nước ngoài đầu tiên, đây cũng chính là thời điểm mình nhận ra mình phù hợp với điều gì. Một cách rất ngẫu nhiên.
Mình khép lại Blog 01 ở đây nhé!
Chúc bạn sẽ luôn thấy cảm hứng trong quá trình học nhiếp ảnh và sớm tìm được phong cách nhiếp ảnh riêng của bản thân.
Nhớ follow kênh Blog và Vlog của mình để cập nhật những bài viết và clip mới nhất từ mình nhé:
- Blog Chanel để chia sẻ những bài viết kiến thức về nhiếp ảnh tại đây: https://journeysofthewind.com/category/zoom-in/
- Freelanceman Vlog Chanel để chia sẻ những clip trải nghiệm và quá trình thực hành nhiếp ảnh của mình tại đây: https://www.youtube.com/channel/UCXtfCCWsEqh7Pz2BbBiPZug?view_as=subscriber
- Còn đây là trang Instagram mà mình lưu lại những khoảnh khắc ấn tượng trong cuộc sống và những chuyến đi của mình: