Bagan – Mình cùng nhau đi tìm tuổi trẻ – Phần 2

Bagan – Mình cùng nhau đi tìm tuổi trẻ P1: https://journeysofthewind.com/2017/10/10/part-1/

nhung buoc chan khong giay 2

Ngày đầu tiên ở Xứ chùa tháp bọn tớ thuê xe đạp điện để tự đi lang thang khám phá xung quanh. Giá thuê trung bình của một chiếc xe đạp điện là khoảng 7000 Kyat. Bọn tớ thuê liền ba ngày và mặc cả với nhà xe chỉ còn 18.000 Kyat/ba ngày. Cái hay là bất cứ khi nào xe bị hết ắc quy, bọn tớ chỉ cần ghé vào một ngôi đền hoặc trạm an ninh gần đó và nhờ người dân gọi vào số điện thoại của nhà xe, sau 15 phút sẽ có người đến thay ắc quy và bọn tớ lại có thể tiếp tục hành trình khám phá của mình. Kể ra thì dịch vụ ở đây cũng không tệ, và quan trọng là họ làm với thái độ vui vẻ và rất nhiệt tình. Đúng như anh Tâm nói trong cuốn “Bước qua thành phố lạ” mà cậu tặng tớ – những nụ cười ở đây hồn nhiên đến mức ám ảnh.

_DSC5261-58
Nụ cười của một cậu nhóc địa phương hóm hỉnh

Trước khi đi, tớ cũng đọc qua rất nhiều tài liệu về Bagan, về Myanmar. Myanmar là đất nước đa tôn giáo, nhưng Phật giáo ở đây chiếm đến 91% dân số, bởi vậy chùa chiền được xây dựng rất nhiều trên khắp đất nước. Riêng ở Bagan có đến hơn 4000 ngôi đền nằm rải rác. Buổi chiều hôm ấy, trong khi đứng đợi những ánh hoàng hôn cuối cùng buông xuống, hai thằng đứng bắt chuyện với một cậu bé người bản địa. Cậu bé ấy kể cho bọn tớ nghe về Bagan, về những ngôi đền và sự tích của chúng, đa phần những đền đài nơi đây được người dân tự quyên góp xây dựng với hy vọng về một cuộc sống đủ đầy và hạnh phúc. Đôi khi, có những điều hay ho mà nếu không được kể bởi người bản địa thì bọn mình chắc sẽ khó mà tìm hiểu được. Ví như Chùa tháp ở Bagan được chia thành hai loại là Stupa và Chedi.

nhung buoc chan khong giay 3

Stupa xuất hiện nhiều ở khu vực Old Bagan. Còn Chedi thì nằm rải rác. Trước khi bước vào trong dù là người dân bản địa hay khách du lịch cũng đều phải bỏ giầy dép và tất ở bên ngoài để thể hiện sự tôn kính. Tớ khoái trí vì quyết định để mấy đôi convert cao cổ ở nhà của mình, tại có mang đi chắc cũng vứt ở hostel vì bất tiện quá thôi. Đến Bagan, chỉ cần một đôi tông là đủ.

Cứ như vậy, chân không giầy, bọn tớ đã bước qua không biết bao nhiêu ngôi đền ở đây. Chắc không đếm được. Có những ngôi đền lớn và nổi tiếng mà bọn tớ nhớ tên như Shwesandaw (ngôi đền nổi tiếng nhất để ngắm bình minh và hoàng hôn ở Bagan), Dhammayangyi (Ngôi đền rộng nhất ở Bagan), Ananda Temple (Ngôi đền có tượng phật đẹp nhất và lối vào ấn tượng nhất do Kai và tớ bình chọn), tớ không thể nhớ nổi tên của 40 ngôi đền chứ không nói gì đến 4000 ngôi đền. Về sau, hai đứa bảo nhau, nhớ không được thì tự đặt tên để nhớ. Thế là bọn tớ tự đặt tên cho các ngôi đền mà bọn tớ đi qua, ví dụ như Chùa “Đông” – tức là chùa cực kì đông người mà bọn tớ ngắm hoàng hôn. Chùa “Harry Potter” là chùa gì đó có hỏi tên rồi nhưng khó nhớ quá nên thôi bỏ qua, nhìn từ xa y hệt Hogwarts trong Harry Potter luôn. Chùa “Ngủ” là ngôi chùa mà bọn tớ ngủ trưa ở đấy. Hay chùa “Trawa Phaya” – “Trawa” là “Trắng quá” vì chùa đấy trắng cực, và một tỉ chùa khác nữa. Cậu mà có ở đây chắc mấy đứa lại có một trận cười bể bụng cho coi. Haha!

Bagan giau gi

Sau mấy ngày rong ruổi, bọn tớ gần như nắm được những trục đường chính dẫn đến các khu vực khác nhau của Bagan. Xứ Chùa Tháp được chia thành ba khu chính là Old Bagan – New Bagan và thị trấn Nyaung – U. Old và New Bagan là nơi tập trung rất nhiều đền đài, chùa tháp. New Bagan là khu vực mà chính phủ Myanmar mới di dời người dân ở Old Bagan qua đó để bảo tồn những ngọn tháp cổ ở nơi này, thế nên, New Bagan là khu có nhiều nhà hàng, khách sạn, cũng như người dân tập trung ở đó đông hơn. Còn thị trấn Nyaung-U là nơi có khu chợ trung tâm sầm uất.

Bagan giau gi 2

Bagan - blog (9)

Nằm giữa quãng đường đi từ Old Bagan về New Bagan, chúng tớ gần như ngày nào cũng rẽ vào một nhà hàng nhỏ có tên là San-Thi-Da. Nhìn thì dân dã và giản tiện nhưng đạt danh hiệu Excellent do TripAdviser bình chọn. Cũng phải thôi, vì cái quán ăn đấy theo tớ thì tốt đủ đường. Đồ ăn ngon đã không nói làm gì, nhưng đằng này, tụi tớ quý hai ông bà chủ cực. Sao lại có những người đáng yêu, nhiệt tình, thân thiện và tốt bụng đến thế.

Bagan giau gi 3

Đồ ăn hôm nào cũng đầy ú, mà bữa sau còn nhiều hơn bữa trước. Có hôm bác trai còn bưng ra cho tụi tớ một đĩa hoa quả to đại tướng mời ăn không lấy tiền. Lần nào cũng thế, đi xe đạp điện trên đường đất đá sỏi xóc nảy người, ruột gan như muốn nhảy ra ngoài, nhưng chỉ cần tới được quán quen, hít hà mùi đồ ăn thơm nức mũi của bác gái thì bao cảm giác mệt mỏi như tan biến theo cơn đói cồn cào. Ngày cuối, bác gái còn tặng Kai một cái khăn chít ngắn có họa tiết thổ cẩm đẹp lắm vì nó hay nịnh bác. Tớ ghen tỵ hỏi tại sao lại có một cái!?. Thế là bác gái lại chỉ hai đứa đi về phía chợ Nyaung-U để mua. Thực ra khu chợ cách khá xa chỗ bọn tớ đang ở. Đi mất 30-40 phút chạy xe. Nhưng vì quá thích cái khăn ấy, với muốn mua một ít về làm quà nên tớ vẫn quyết đi vào sáng hôm sau. Vả lại, có cậu bạn từng nói với tớ rằng “Dù đặt chân tới miền đất nào đi nữa, hãy dành thời gian ghé thăm khu chợ trung tâm, ở đó bạn sẽ thấy được những gì đời nhất, bình dị nhất về mảnh đất nơi mình ghé qua”. Điều này quả thật rất đúng.

Bagan giau gi 4Bagan giau gi 5

Nyaung-U nằm ở rìa Tây của Bagan, tập trung đông dân cư nhất nhì trấn này. Giữa cái nắng gần 40 độ, 2 thằng tớ nhễ nhại len lỏi vào từng ngóc ngách của phố chợ để tìm kiếm một nhịp sống thực sự của Bagan. Bước qua một vài quán tạp hóa bán mấy thứ đồ ăn vặt của trẻ con, đồ gia dụng và thập cẩm tỷ thứ khác, tớ ngơ ngác lọt thỏm vào giữa những quầy hàng chợ san sát nhau. Không quá sầm uất nếu không muốn nói là mấy sạp hàng hơi sập sệ và ẩm thấp, nhưng phải nói sao nhỉ. Tớ thực sự bị hớp hồn Trang ạ, mọi thứ đẹp tới nghẹt thở, nó mang hình dáng của một phiên chợ quê miền Bắc xứ mình, vịt ngan kêu quác quác, rau cỏ bày đầy ắp ụ, chuối nữa những nải vàng ươm lủng lẳng khiến tớ vác máy lên chụp liên hồi, dung dị, bình yên. Từng dải nắng trưa hè xuyên qua lớp mái tranh rách nát đổ ụp xuống từng sấp hàng màu sắc xanh đỏ, cả trên đầu nữa, túi xách, quần áo, những chiếc Longyi và sấp vải màu mè. Men theo lối đi nhỏ giữa những kệ hàng chia vuông như ô bàn cờ từ khu chợ rau củ, tới đồ khô và vải vóc xen kẽ bởi một vài tiệm bán đồ ăn. Và gì nhỉ trầu không, một sự liên kết văn hóa giữa mảnh đất này và Việt Nam quê mình, chính cái cảm xúc ấy. Tớ lặng im đứng nhìn hết thảy ôm trọn vào lòng những giản dị thân thương.

“Dù đặt chân tới miền đất nào đi nữa, hãy dành thời gian ghé thăm khu chợ trung tâm, ở đó bạn sẽ thấy được những gì đời nhất, bình dị nhất về mảnh đất nơi mình ghé qua”

Bagan giau gi 6

Cậu biết không, mỗi ngày trôi qua, bọn tớ như được khám phá những cung bậc cảm xúc của chính mình. Bọn tớ tự cho phép mình đi lạc để trải nghiệm, rồi lạc thật giữa một vùng hoang mạc rộng lớn khi trời đất ngày càng tối thui. Thực ra thì tớ thấy không có gì đáng sợ lắm vì an ninh ở đây khá an toàn. Dù sao đã đến và khám phá nơi này tớ thực sự không muốn chỉ lờn vờn ở bên ngoài bởi thú thật là càng vào bên trong thì càng có nhiều thứ sẽ khiến ta thấy thú vị, những ngôi đền có kiến trúc lạ, những người bản xứ đứng chăn cừu, chăn ngựa, hay có thể nhìn nắng hoàng hôn trải thành từng vệt sau những tán cây bụi mọc đầy xung quanh. Chao ôi, nó thơ và hút hồn người ta lắm! Đến Bagan thì cũng đừng sợ bẩn, bụi Bagan là đặc sản ở đây đấy. Hai thằng cứ thấy bãi đất trống là chạy vào đá tung lên, bụi mù bụi mịt rồi đứng mà chụp ảnh cho nhau, cười đùa như lũ trẻ thuở thiếu thời. Giờ nghĩ lại mà vẫn thấy mình cũng nghịch dại quá thể. Bụi nó bay vào mũi vào họng vào cổ rồi có khi viêm lúc nào không hay. Nhưng tuổi trẻ mà, không phải cơn mưa rào thì cũng là những đám bụi bay ở Bagan, dù có ốm hay bệnh thì vẫn muốn được trải qua một lần nữa…

Bagan giau gi 7Bagan giau gi 8Bagan giau gi 10

To be continued…

1 comment

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: